Hôm nay tôi viết cái đề tài này vì biết rằng rất nhiều người cũng giống như tôi, vì vậy mình phân tích một chút để tản mạn xem lại thử mình có nên trả giá cho cái "TÔI" của mình hay không?
Bạn sinh ra và lớn lên ở Quốc gia nào, bạn sẽ bị ảnh hưởng bởi văn hóa của Quốc gia đó, sinh ra ở địa phương nào cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi cái địa phương đó, sinh ra trong gia đình nào thì cũng bị ảnh hưởng bởi gia đình đó. Khi còn thời phong kiến và đa số bây giờ cũng vậy, cái gia trưởng vẫn còn trong gia đình nào đó, vì vậy cái quyền bình đẳng không có, người con gái nào lỡ về sống trong gia đình này là coi như bị tra tấn về tâm lý khủng khiếp. Khi bạn sống ở một cái địa phương nào đó còn nặng về cái học chữ cho thành danh và là cái bộ mặt của gia đình, thì cái người trong gia đình đó cũng bị áp lực kinh khủng. Khi gia đình nào còn nặng chữ trinh tiết của người con gái thì cái người con gái trong gia đình đó cũng cố gắng mà bảo vệ mình, nếu lỡ bị mất đi cái " ngàn vàng" đó, thì tư tưởng bị dày vò không yên.
Cái tư tưởng mày nhỏ hơn tao là mày phải thua tao, mày làm lớn hơn tao là tao không phục cũng còn tồn tại trong một số người.
Mày làm lính là mày không được cãi, phải răm rắp nghe theo lời, mày cãi tao đì mày hoặc cho mày nghỉ việc cũng còn tồn tại trong số đông.
Ai da, bây giờ tôi đã leo lên tới cái ghế Giám Đốc rồi, làm gì có cái cửa đi làm lại nhân viên, người đời họ đàm tếu cho xấu hổ chết, có chết đói cũng ngồi ở nhà chứ nhất quyết không làm nhân viên.
Tao là bậc trưởng bối, mày không được cãi, cải như vậy là hỗn, tao nói là mày phải nghe.
.......... và rất nhiều những câu nói như thế trong đời thường.
Tôi kể một câu chuyện hồi tôi còn làm Phó Giám Đốc cho Thiên Hòa. Ngày tôi và vợ tôi dọn nhà, trong lúc chở đồ thì có một cái thau giặt đồ, tôi nói vợ tôi cầm, tôi chở đi, nhưng vợ tôi nhất quyết không cầm, vợ tôi nói: anh cầm đi. Tôi hỏi: sao em không cầm? Vợ tôi nói: cầm cái thau lỡ người quen thấy thì quê lắm, dù sao trước đây em cũng từng làm chủ. Tôi nói: vậy sao em không nghĩ là anh cũng đang là Sếp của 600 nhân viên, lỡ nhân viên anh thấy thì sao. Lúc đó, vợ tôi phải suy nghĩ lại. Tuy nhiên, tôi muốn chứng mình cho vợ tôi thấy là tôi không ngại cái sĩ diện, tôi muốn sống thật với chính mình, thế là tôi cầm.
Tôi viết bài này ở đây là tôi muốn chuyển đến một thông điệp, muốn bỏ đi cái sĩ diện, bỏ đi cái chức danh mà mọi người đã và đang được người khác biết đến, muốn thay đổi cái suy nghĩ của mình là điều không phải dễ.
Người ta không muốn làm lại nhân viên vì cái gì? Vì sĩ diện
Người ta không muốn là đa cấp vì cái gì? Vì sợ bị đàm tếu.
Người ta không muốn xuống nước vì cái gì? Vì cái "Tôi" quá lớn, muốn chứng tỏ quyền uy.
Người ta không muốn thua người khác vì cái gì? Vì sĩ diện.
Người ta cố bám víu vào cái chức danh cũ vì cái gì? Vì muốn được người khác tôn trọng mình.
Tôi muốn nhấn mạnh thêm một chút, nếu ai đã và đang rơi vào những tình huống như thế sẽ tự làm khổ bản thân mình thôi, tự mình hành hạ lấy mình thôi. Cái danh hiệu, cái chức vụ, cái sĩ diện, cái được người khác tôn trọng...chẳng qua chỉ là cái nhất thời và người ta sẽ nhanh chóng quên bạn thôi, đôi khi gặp lại bạn họ còn không nhớ bạn là ai, đã làm gì và ở đâu nữa kìa. Bởi vì sao, họ phải bận quan tâm đến cuộc sống của họ, họ phải lo cho gia đình họ, con cái của họ, làm gì họ còn thời gian mà nhớ đến cái bạn đã làm sai hay làm đúng, scandal hay cái chức vụ, cái quá khứ hào hùng của bạn chứ. Nếu họa chăng đi nữa, thì họ chỉ muốn được việc gì cho họ mà ninh bợ, xun xoe bạn mà thôi. Họ chỉ thật sự nhớ ơn và biết ơn, tôn trọng những ai đã giúp đỡ, nâng đỡ họ mà thôi.
Chúc cho những ai đã đọc được bài này, cố gắng ngồi suy ngẫm và cố gắng vượt qua những suy nghĩ cũ của mình để làm cho chính bản thân mình hạnh phúc hơn và người thân của mình cũng đỡ khổ vì những suy nghĩ bảo thủ của mình xưa nay. Chúc tất cả sức khỏe.