Thứ Năm, 16 tháng 5, 2013

Matsushita Konosuke: Sống trọn đời nhiệt huyết

Post oleh : The Fly | Rilis : 04:39:00 | Series :
(được viết theo lời kể của Matsushita Konosuke người sáng lập ra TẬP ĐOÀN PANASONIC, một câu chuyện cảm động về cách sống trọn đời nhiệt huyết.

Đó là chuyện ở hãng tôi có một cậu tên là S, Trưởng Bộ phận bán hàng. Cậu S là người rất say mê công việc, nhưng tiếc rằng bị bệnh, phải nhạp viện để phẫu thuật. Vì thế, hàng ngày cậu phải chuyên tâm vào việc chữa trị. Có người cho rằng, nhập viện là không làm gì được nữa, nhưng thực ra bệnh viện là nơi hoạt động cả ngay lẫn đêm. Đặc biệt, các cô y tá, hộ lý sẽ phải xử trí với tình hình khi chẳng may giữa đêm bệnh nhân nào đó cần. Thậm chí, để không làm phiền đến các bệnh nhân khác, một tay họ phải cầm đèn pin chiếu sáng cho tay kia thao tác. Cậu S nằm trên giường truyền đạm, nhìn cảnh cô y tá một tay cầm đèn pin, tay kia thao tác khó nhọc và nghĩ:” Mình có thể làm gì cho cô y tá được gì không nhỉ? Nếu có một cách nào đó để cô ấy có thể thao tác dễ dàng bằng cả hai tay thì tiện biết mấy…”
Và thế là từ trên giường bệnh, cậu S đã viết thư cho người có trách nhiệm của bộ phận sản xuất pin khô của công ty để hỏi xem loại đèn pin nào không cần cầm cũng có thể chiếu sáng cho bàn tay khi thao tác không. Bộ phận nhận được câu hỏi này chính là nơi trước đây đã sản xuất đèn pin hình chiếc bút gắn vào túi áo ngực. Bởi vậy, người chịu trách nhiệm về kỹ thuật tiện thể đến bệnh viện thăm cậu S và trao sản phẩm đó cho cậy ta. Từ đêm hôm ấy, công việc cải tiến sản phẩm của cậu S bắt đầu. Bởi vì, khi đưa các cô y tá dùng thử chiếc đèn pin đó, thì họ có ý kiến rằng khi dùng gặp phải một số vấn đề. Dựa trên những ý kiến này, cậu S đã ngẫm nghĩ xem làm thế nào để có thể tạo ra chiếc đèn pin dễ sử dụng và tóm tắt lại được những điểm cần cải tiến. Mấy ngày sau cậu ta thuyết minh cho người có trách nhiệm về kỹ thuật đã đến thăm hôm trước về đề án của mình. Cậu S bảo:
- Cái đó có vẻ được, nhưng cần phải sửa thêm một chút. Đã gài chặt vào túi áo rồi mà ánh sáng vẫn bị đung đưa làm ánh sáng chệnh hướng. Tiện thể, nếu cậu làm phần đựng pin sao cho vuông vức, to hơn một chút, có thể cho vừa vào túi ngực thì tôi nghĩ sẽ gài chắc được! Cậu nghĩ sao?
Thế là, bộ phận sản xuất mày mò làm theo đề án cải tiến của cậu S. Sau hai ngày, họ tạo ra được hai sản phẩm thử nghiệm và mang đến tận giường bệnh cho cậu S. Sau khi nhận được, cậu ta đưa ngay cho cô y tá dùng thử, hỏi cảm tưởng của cô và vừa nằm trên giường vừa cầm bút bi phác thảo những điểm cần cải tiến thêm gởi lại công ty. Việc đó lặp đi lặp lại như thế đến mấy lần.
Đề án viết trên giường bệnh
Cứ như thế, hai tháng sau khi nhập viện, cậu S đã tóm tắt và viết được cả sơ đồ cải tiến cấu trúc cuối cùng cho chiếc đèn pin, trong đó hầu như thỏa mãn hết được yêu cầu của các cô y tá. Nhưng cậu ta lại không chăm chỉ dưỡng bệnh, nên mỗi ngày lại một nặng. Vì thế bản thân việc viết thư trình bày đề án cũng đã khiến cậu S khá vất vả. Những dòng chữ trong thư ngày càng rối hơn, chứng tỏ tình trạng bệnh tật của cậu ta ngày càng xấu đi.
Dựa trên đề án có đầy đủ ý kiến của những người sẽ sử dụng do cậu S đưa ra, bộ phận sản xuất đã quyết định biến sản phẩm được cải tiến đó thành hàng hóa và gấp rút kế hoạch hoàn thiện. Thế nhưng, trong khi đó bệnh tình của cậu S ngày càng xấu đi, đến mức người ngoài không được vào thăm. Cậu ta biết được về quyết định biến đề án của mình thành hàng hóa là qua người vợ lúc nào cũng đi kèm chăm sóc. Khi nghe được tin này, hình như cậu S đã rất mừng, nhưng tiếc thay lại không được tận mắt thấy sản phẩm mới được hoàn thành sau đó một tháng, mà trở thành người mãi mãi không trở lại ở tuổi 58. Cậu ta bị ung thư gan.
Chiếc đèn pin mà cậu S nghĩ và đưa ra đề án trong suốt thời gian nằm trên giường bệnh cho đến khi mất đã nhanh chóng được hoàn thành và bán ra thị trường với tên Flexible Light. Bộ phận đảm nhiệm khâu sản xuất đã cẩn thận gói sản phẩm ra lò đầu tiên vào một chiếc hộp, đem đến đặt trước linh cữu của cậu S cùng với lá thư báo cáo chan chứa lòng biết ơn.
Sống trọn vẹn đời mình
Khi được biết câu chuyện về cậu S thông qua người chịu trách nhiệm của bộ phận sản xuất, không biết từ lúc nào mắt và đầu tôi nóng rực lên. Ngày xưa thì không nói, chứ bây giờ 58 vẫn là tuổi mà tương lai đang ở phía trước. Khi ngã bệnh, không hiểu trong thâm tâm cậu S đã nghĩ như thế nào. Cậu thừa hiểu tâm trạng người vợ cũng như những người khác trong gia đình, vậy mà ngay trước cái chết vẫn không ngừng nhiệt huyết với công việc.
Trong công việc, dù làm bất cứ điều gì cũng cần phải có lòng nhiệt tình. Tôi luôn nghĩ và thầm nhắc mình như vậy. Đồng thời, tôi cũng nói điều đó với cả các nhân viên của mình. Tôi được nghe câu chuyện về cậu S trong cơn đau đớn, lo lắng vì bệnh tật mà vẫn đốt hết đốm lửa sinh mệnh đời mình để lao vào cải tiến sản phẩm, và xem những dòng thư trình bày đề án mà giờ đây đã trở thành tuyệt bút thì thấy cảm phục tự đáy lòng mình. Tôi có cảm giác, “Sống trọn vẹn đời mình” là cách sống như của cậu S và không thể ngăn mình khỏi dòng nước mắt cảm động.
Trong chúng ta không ai biết được sinh mệnh của mình đến đâu, nhưng đều có một mong ước được sống để làm những việc cần làm cho đến tận giây phút cuối. Thế nhưng, để biến mong ước đó thành hiện thực là điều không dễ. Tuổi 90 đang đến gần và tôi luôn cảm nhận được rõ điều đó. Cách sống của cậu S đã ban tặng cho tôi một sự an ủi lớn lao không dễ gì có được.
Bởi vậy, tự đáy lòng tôi luôn cầu phúc cho cậu S và cảm thấy thực sự muốn sống cho trọn đời kiếp đời của riêng mình.

google+

linkedin