http://baodaklak.vn/channel/3484/201211/di-ung-voi-ban-hang-da-cap-vi-sao-2199744/
Cập nhật lúc 08:20, Thứ Tư, 14/11/2012 (GMT+7)
Kỳ cuối: Câu chuyện “lỗ hổng” và học cách tự bảo vệ
Việc quản lý bán hàng đa cấp của
cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn do mạng lưới bán hàng đa cấp hiện
chủ yếu là của doanh nghiệp được cấp giấy phép kinh doanh ở ngoài tỉnh
và theo quy định chỉ thông báo cho Sở Công Thương biết. Một số đơn vị
thực hiện tốt báo cáo định kỳ bán hàng đa cấp nhưng vẫn còn nhiều đơn vị
không thực hiện việc báo cáo từ thời điểm hoạt động đến nay, vì vậy địa
phương không nắm được thông tin. Đáng chú ý là có đến 14/20 đơn vị bán
hàng đa cấp hiện có mặt trên địa bàn tỉnh không đăng ký địa điểm. Số đơn
vị còn lại có đăng ký địa điểm hoạt động (dưới hình thức chi nhánh, hộ
cá thể hoặc chỉ là một nhóm người tự xưng là nhân viên và được công ty
thuê một căn nhà để tổ chức hội thảo, trao đổi hàng hóa từ công ty mẹ)
nên cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra cũng không dễ. Đa số các trường
hợp viện lý do họ chỉ là nhân viên không biết gì cả, đợi giám đốc về
hoặc tài liệu do giám đốc giữ, họ không có quyền đưa ra kiểm tra... Theo
đó, hầu hết những thông tin cơ quan quản lý nắm được đến đâu là phụ
thuộc vào báo cáo của các đơn vị bán hàng đa cấp. Trong số 20 đơn vị,
con số doanh thu, tiền thuế nộp vào ngân sách Nhà nước, Phòng Quản lý
thương mại mới chỉ có thể nắm vỏn vẹn được một vài đơn vị như: Số thuế
thu nhập cá nhân mà doanh nghiệp đã nộp năm 2011 là 191 triệu đồng, gồm:
Công ty TNHH Mỹ phẩm Avon, Chi nhánh Công ty Việt Am và Công ty Thiên
Ngọc Minh Uy; 6 tháng đầu năm 2012 là 21 triệu đồng (Công ty Mỹ phẩm
Avon). Số thuế đã nộp của doanh nghiệp năm 2011 là 24 triệu đồng, gồm:
Chi nhánh Công ty Việt Am, Công ty Thiên Ngọc Minh Uy.
Bản chất của bán hàng đa cấp không xấu
và đó là một trong những loại hình kinh doanh có ưu việt là đưa hàng
trực tiếp đến tay người tiêu dùng, không qua các khâu trung gian và cũng
đã được pháp luật Việt Nam công nhận. Tuy nhiên, trên thực tế, một số
hình thức kinh doanh đa cấp đã bị biến tướng...
Những “lỗ hổng”
Theo thống kê của Phòng Quản lý thương
mại - Sở Công Thương, đến nay trên địa bàn Dak Lak có 20 đơn vị bán hàng
đa cấp đang hoạt động theo hình thức chỉ thông báo cho Sở Công Thương
biết. Tỉnh chưa cấp phép bán hàng đa cấp cho bất kỳ một doanh nghiệp
nào. Hiện số người tham gia mạng lưới này khoảng 6.700 người và luôn
luôn có sự thay đổi.
Các cuộc hội thảo khuyếch trương với chiêu bài “kiếm tiền không khó” của những công ty bán hàng đa cấp biến tướng đã lôi kéo nhiều người tham gia. Ảnh: Gia Thịnh |
Đối với chính quyền các địa phương, việc
quản lý những công ty bán hàng đa cấp tổ chức hội thảo trên địa bàn gần
như chưa được chú ý nên một số công ty lợi dụng tuyên truyền sai sự
thật về sản phẩm hàng hóa. Điều này gây thiệt hại kinh tế cho người tiêu
dùng, nhiều người nghèo vùng nông thôn thiếu hiểu biết lâm vào cảnh nợ
nần, không có khả năng chi trả nhưng không biết tự bảo vệ mình và không
khiếu nại tố cáo các hành vi bán hàng đa cấp bất chính hoạt động trên
địa bàn.
Học cách “nghe nhạc hiệu đoán chương trình”
Trên thế giới, bán hàng đa cấp đã xuất
hiện từ lâu, còn ở Việt Nam, hình thức kinh doanh này thực sự bắt đầu từ
năm 2000 và đã có những công ty, doanh nghiệp làm ăn chính đáng, khẳng
định tên tuổi trên thương trường. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng phải thừa
nhận một thực tế là tình trạng hoạt động bán hàng đa cấp ngày càng biến
tướng tinh vi và đã diễn ra chủ yếu ở các huyện, xã, vùng sâu vùng xa.
Lợi dụng lòng tin nơi người dân kém hiểu biết và cập nhật thông tin chậm
để tuyên truyền thổi phồng công dụng sản phẩm; phát triển mạng lưới ăn
chia hoa hồng, gây cái nhìn thiếu thiện cảm, méo mó về loại hình kinh
doanh đa cấp. Theo kiến nghị của Phòng Quản lý thương mại, việc quy định
trách nhiệm kiểm tra giám sát và báo cáo của UBND các huyện, xã về hoạt
động bán hàng đa cấp là cần thiết. Hành lang pháp lý hiện có để điều
chỉnh đối với lĩnh vực bán hàng đa cấp là Luật Cạnh tranh, Luật Thương
mại và Nghị định 110. Năm 2010, Hiệp hội bán hàng đa cấp đã được thành
lập. Chắc chắn cơ chế chính sách của Nhà nước sẽ dần hoàn chỉnh để phù
hợp với thực tiễn.
Nhưng theo các cơ quan quản lý, người
dân cũng nên tự bảo vệ mình bằng việc nhận diện những dấu hiệu của kinh
doanh đa cấp bất hợp pháp. Bán hàng đa cấp hiện nay chủ yếu đi theo các
mô hình: nhị phân, ma trận, bậc thang ly khai. Những mô hình được đánh
giá tương đối công bằng là các cấp bán hàng xếp theo hình thoi, còn
không công bằng xếp theo hình tam giác (người cấp dưới nuôi người phía
trên, lợi nhuận hầu hết rót về những người chóp bu, đứng trên). Còn theo
điều 7, Nghị Định 110/2005/NĐ-CP về quản lý bán hàng đa cấp 110, có thể
nhận biết dấu hiệu bán hàng đa cấp bất hợp pháp qua những hành vi sau:
Yêu cầu người muốn tham gia phải đặt cọc, phải mua một số lượng hàng hóa
ban đầu để được quyền tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp; không cam kết
cho người tham gia trả lại hàng hóa và nhận lại khoản tiền đã chuyển
cho doanh nghiệp; cho người tham gia nhận tiền hoa hồng, tiền thưởng,
lợi ích kinh tế khác từ việc dụ dỗ người khác tham gia bán hàng đa cấp;
cung cấp thông tin gian dối về lợi ích của việc tham gia mạng lưới bán
hàng đa cấp để dụ dỗ người khác tham gia bán hàng đa cấp; cung cấp thông
tin sai lệch về tính chất, công dụng của hàng hóa để dụ dỗ người khác
tham gia bán hàng đa cấp…
Đàm Thuần